Mối tình đầu với con gái bà chủ nhà trọ
Bắt đầu công việc buôn bán tranh năm 15 tuổi tại công ty Goupil & Cie ở Den Haag, đến năm 19 tuổi, tức là năm 1873, Van Gogh được phái đi công tác ở London (Anh). Trong thời gian ở Lodon, ông trọ tại số 87 đường Hackford, Brixton, công việc làm ăn vô cùng thuận lợi, thu được nhiều món lời lớn và đồng thời say như điếu đổ cô con gái rượu của bà chủ nhà trọ. Cô gái có tên là Eugenia Loyer, 19 tuổi, mảnh mai, có đôi mắt to và nụ cười ngọt ngào đã làm tan chảy trái tim gã trai người Hà Lan khi cất giọng nói ấm áp gọi anh xuống dùng bữa mỗi buổi sáng.
Vincent Van Gogh, lúc này 20 tuổi, tràn đầy nhiệt huyết thanh xuân và khao khát yêu đương đã luôn cố gắng trở về nhà trọ sớm sau một ngày làm việc chỉ để được nhìn ngắm Eugenia Loyer. Dù chưa tỏ tình nhưng danh họa tin chắc rằng cô con gái của bà chủ nhà trọ cũng đã thầm mến mình. Chàng trai trẻ ôm mối tình thầm lặng suốt một năm ròng cho tới khi em trai Theo giục giã.
Chân dung Eugenia Loyer, mối tình đầu của Van Gogh khi đã là một phụ nữ luống tuổi
Mùa hè tuyệt đẹp năm 1874, trong khi dạo bước trong vườn với Eugenia Loyer, Van Gogh lấy hết dũng khí thổ lộ tình yêu với nàng. Nhưng trái với kỳ vọng của chàng trai si tình, cô con gái của bà chủ nhà trọ đáp lại bằng thái độ hoảng sợ, thậm chí khinh khỉnh. Cô thú nhận rằng điều đó là không thể vì cô đã bí mật đính hôn với một người đàn ông trước kia ở trọ ngay trong chính căn phòng mà Van Gogh đang ở. Đã không có bất cứ tiết lộ danh tính nào về kẻ tình địch của Van Gogh, chỉ biết rằng Eugenia Loyer một mực từ chối tình cảm của chàng trai trẻ, mặc dù anh hứa hẹn, thề bồi. Cô gái còn khinh thường hét lên: “Kẻ tóc đỏ điên rồ”.
Một năm sau đó, Van Gogh trở về quê hương Hà Lan một thời gian ngắn. Khi ông quay lại London, vô cùng sửng sốt, đau khổ và cảm thấy bị sỉ nhục khi vị hôn phu của cô nàng Eugenia Loyer đã chuyển tới sống tại căn phòng ở số 87 đường Hackford, Brixton mà mình đã từng ở.
Sau cuộc tình không thành với Eugenia Loyer, từ một chàng thanh niên phơi phới lạc quan yêu đời, Van Gogh trở thành một người cô độc và sùng đạo.
Mối tình đau khổ với người em họ
Một ngày Chúa Nhật tại Amsterdam, khoảng năm 1877, ông chú Jan van Gogh mời Vincent Van Gogh tới dự bữa tối nhân dịp anh tới đây để theo đuổi sự nghiệp của một mục sư. Tại nhà ông chú, danh họa trường phái hậu ấn tượng đã gặp cô em họ Cornelia Adriana Stricker, thường gọi là Kee Vos, một phụ nữ cao ráo, thanh mảnh, có mái tóc vàng ánh đỏ và đôi mắt xanh biếc. Khi họ hôn chào nhau, má Kee Vos bất chợt ửng đỏ nhưng rồi sau đó, sự xuất hiện của Christoffel, người chồng của cô làm cả hai đều phải giữ ý.
Sau đó, gia đình Kee Vos còn mời Van Gogh tới dùng bữa nhiều lần và danh họa đã phải thú nhận rằng “Chúng tôi thực sự yêu nhau”. Chứng kiến hạnh phúc bình dị của gia đình em họ làm trái tim Van Gogh thêm một lần đau khổ. Ông nhận ra mình muốn trở thành một nhân vật của bức tranh gia đình êm ấm kia thay vì chỉ là một khán giả đứng ở ngoài trông vào. Hình ảnh của Kee Vos ám ảnh Van Gogh tới mức có lúc ông đã nghĩ tới ý định tự tử.
Kee Vos và con trai Johannes Paulus Vos
Sau đó một thời gian, chồng của Kee Vos, Christoffel qua đời do bệnh phổi. Kee Vos đưa con trai, Johannes Paulus Vos về sống trong một nhà xứ do cha mẹ Van Gogh gây dựng nên. Không một xu dính túi sau một thời gian đi truyền giáo ở Coalfields (Bỉ), Van Gogh trở lại quê nhà và gặp lại cô em họ mà ông yêu tha thiết. Không thể làm chủ được bản thân, nghệ sĩ tài hoa thổ lộ tình cảm của mình và cầu hôn Kee Vos. Tuy nhiên, một lần nữa, Van Gogh bị chối từ. “Không! Không bao giờ”, cô em họ xinh đẹp trả lời. Danh họa người Hà Lan quá bất ngờ nên đã có phản ứng bạo lực khiến Kee Vos bỏ về Amsterdam.
Sau khi người tình dời đi, Van Gogh đã tranh cãi một trận ra trò với cha mẹ khi hai ông bà từ chối cung cấp tiền để ông theo đuổi mối tình với người phụ nữ một con. Cuối cùng, danh họa phải cầu viện em trai, Theo, lúc này đang ở Paris gửi tiền cho mình.
Tới Amsterdam, Van Gogh ngay lập tức tới nhà ông chú để tìm gặp cô em họ nhưng ông ngăn không cho cháu trai gặp con gái. Tức giận, Van Gogh đặt tay lên một ngọn nến đang cháy và nói rằng ông sẽ làm như thế chừng nào chưa được gặp Kee Vos. Không nói một lời, ông chú bình thản thổi tắt ngọn nến.
Với những ngón tay cháy sém và một trái tim tan vỡ vì bị sỉ nhục, Van Gogh đã buộc phải từ bỏ tình yêu của mình.
Cuộc hôn nhân với một gái điếm
Năm 1882, khi mới bắt đầu sự nghiệp hội họa, Van Gogh gặp Sien, một cô gái điếm lớn hơn ông 3 tuổi, đã có một con gái 5 tuổi và đang mang bầu một bé gái. Cha của hai đứa trẻ đã ruồng rẫy cô và các con. Thực ra, tên thật của Sien là Mary Christine Clasina Hoornik và cô già hơn nhiều so với tuổi thực do cuộc sống quá vất vả. Mẹ của Sien cũng là một gái điếm, còn cô thì nghiện rượu, phải bán thân để mưu sinh. Trong một số bức tranh Van Gogh vẽ Sien, có thể thấy cô lão hóa sớm với bộ ngực chảy xệ, sắc diện buồn bã, đáng thương.
Từ quan hệ bạn bè và là người mẫu tranh, cuối cùng Van Gogh quyết định cưới cô gái điếm bất chấp sự phản đối của cha mẹ ông. Với một nhiệt tình kỳ lạ, danh họa rất quan tâm chăm sóc vợ và hai con gái không cùng máu mủ. Ông dọn dẹp nhà cửa, mua thực phẩm hàng ngày và rất để tâm chăm nom cô bé 5 tuổi, thường xuyên vẽ chân dung Sien những mong cảm hóa cuộc đời cô.
Sorrow (Nỗi buồn), một bức tranh Van Gogh vẽ Sien
Sau đó, Van Gogh cùng Sien chuyển tới một căn hộ lớn hơn. Danh họa vừa phải làm việc cật lực vừa đối phó với trách nhiệm gia đình trong khi người vợ từng là gái điếm vẫn chứng nào tật ấy, uống rượu, hút thuốc và bỏ bê các con. Mặt khác, gia đình của Sien muốn cô quay trở lại con đường cũ, thậm chí trở thành một ma cô dắt gái và họ tìm mọi cách để chia rẽ Van Gogh và Sien. Van Gogh đã vô cùng chán nản, đúng lúc ấy, em trai ông tới thăm và giải thích cho anh trai hiểu về hành động nhân đạo nhưng làm ơn mắc oán của mình.
Sau một chuyến đi tìm cảm hứng vẽ ngoại cảnh trở về, Van Gogh bất lực khi thấy vợ đã quay trở lại công việc của một gái điếm và tới năm 1904, Sien chết do tự vẫn.
>> Chuyện đời Van Gogh qua những kiệt tác hội họa